Với việc thực hiện những bước đi đúng đắn, Việt Nam có thể tiếp thêm động lực cho quá trình phục hồi sau đại dịch và giúp nền kinh tế trở lại con đường tăng trưởng.
Đối phó với đại dịch
Sau khi tránh được tác động có tính tàn phá của đại dịch Covid-19 đối với người dân và doanh nghiệp trong hơn một năm, Việt Nam đã đối mặt với đợt bùng phát tồi tệ nhất trong năm 2021. GDP của Việt Nam đã giảm 6,2% trong quý III/2021 do tác động nghiêm trọng của Covid-19. Điều này đã kéo tăng trưởng GDP của đất nước trong 9 tháng đầu năm xuống mức thấp lịch sử, 1,4%.
Tình trạng thiếu việc làm đã làm suy giảm nhu cầu trong nước, cũng như hỗ trợ xã hội chậm lại và tình trạng phong tỏa nghiêm ngặt đã gây ra tình trạng thiếu lao động ở TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận. Thương mại của Việt Nam đã duy trì tăng trưởng với thặng dư nhẹ, ở mức 225 triệu USD trong 11 tháng đầu năm. Việc tiêm phòng nhanh chóng vào tháng 9 và tháng 10 đã làm chậm sự lây lan của vi-rút và nền kinh tế bắt đầu được cải thiện trong quý IV.
Tuy nhiên, triển vọng phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong quý IV bị che mờ bởi tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao, việc hạn chế đi lại tiếp tục ở một số tỉnh và nguồn cung lao động hạn chế ở các thành phố trọng điểm. Hơn nữa, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn sẽ ảnh hưởng đến việc thúc đẩy nhu cầu trong nước. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam xuống 2% vào năm 2021, từ 3,8% được dự báo vào tháng 9. Dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 vẫn ở mức 6,5%, vì việc mở rộng phạm vi tiêm chủng có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã duy trì chính sách tiền tệ điều tiết kể từ đầu đại dịch. Các ngân hàng đã được khuyến khích cơ cấu lại các khoản vay hiện có, cung cấp các khoản vay mới rẻ hơn và giảm lãi suất và phí để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng cho phép các ngân hàng chậm việc báo cáo nợ xấu.
Việc Chính phủ kịp thời chuyển sang chiến lược mới nhằm thích ứng an toàn, ứng phó linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch Covid-19 đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động kinh tế. Tỷ lệ tiêm chủng ấn tượng sẽ hỗ trợ phục hồi sản xuất và dịch vụ. Khả năng tiếp cận thị trường của Việt Nam từ nhiều hiệp định thương mại tự do sẽ tiếp tục hỗ trợ thương mại và đầu tư. Đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, những rủi ro lớn đối với sự phục hồi trong năm 2022 vẫn còn. Đại dịch Covid-19 với biến thể mới là Omicron có khả năng làm chậm quá trình phục hồi toàn cầu trong năm nay. Sự biến động giá cả toàn cầu và việc dự kiến thắt chặt tài chính và tiền tệ của các nền kinh tế tiên tiến trong năm 2022 sẽ gây ra những bất ổn cho bức tranh tài chính toàn cầu, ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng lên vẫn là rủi ro chính đối với triển vọng tăng trưởng, song kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn phục hồi trong năm nay.
Khuyến nghị của ADB
Để hỗ trợ sự phục hồi kinh tế và duy trì tăng trưởng trong trung và dài hạn, ADB đưa ra một số khuyến nghị chính sách.
Thứ nhất, xét từ góc độ lý luận và thực tiễn, do đây là cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến y tế, nên giải pháp về y tế vẫn đóng vai trò cơ bản và quyết định, trong khi các chính sách kinh tế vĩ mô có thể là công cụ bổ sung cho nhau. Điều này có nghĩa là, việc tiếp tục tiêm phòng và tiêm nhắc lại vẫn cực kỳ quan trọng. Trong khi chính sách tài khóa sẽ là trung tâm, thì chính sách này phải được kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Thứ hai, những kết quả tích cực của việc củng cố tài khóa và quản lý nợ công hiệu quả của Việt Nam cũng như chi tiêu công được quản lý thận trọng trong những năm trước đại dịch Covid-19 đã tạo ra một dư địa tài khóa đủ cho Việt Nam đáp ứng các nhu cầu tài khóa mới nổi từ đại dịch Covid-19 trong ngắn hạn. Việt Nam có thể chịu được thâm hụt ngân sách cao hơn và nợ công gia tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế.
Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế dần phục hồi và nhu cầu hỗ trợ tài khóa giảm, điều quan trọng là phải mở rộng dư địa thu ngân sách, tăng cường quản lý thu ngân sách và nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước nhằm lập lại kỷ cương tài khóa trong vòng 3-5 tới, đảm bảo mục tiêu an toàn tài chính quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thứ ba, các gói hỗ trợ tài khóa đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, không chỉ trong giai đoạn bị ảnh hưởng tiêu cực nhất từ đại dịch, mà còn trong giai đoạn chuyển tiếp sang phục hồi.
Điều rất quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách là phải đặt ra các mục tiêu phù hợp cho từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ trên quy mô đủ lớn, vì gói kích thích tài khóa hiện tại của Việt Nam mới chiếm chưa đến 2% GDP. Gói tài khóa này có thể được xem xét nâng lên tới một mức độ phù hợp, đáp ứng các tiêu chí là đủ kịp thời, đúng mục tiêu, đủ lâu và đủ bao trùm để đạt được những kết quả mong đợi.
Trong ngắn hạn, các ưu tiên tài khóa cần được đặt ra đối với chi tiêu cho y tế, bảo vệ an sinh xã hội cho các nhóm dễ bị tổn thương, hỗ trợ khu vực kinh doanh có lợi cho các ngành có tác động lan tỏa tích cực và các doanh nghiệp có khả năng phục hồi nhanh trong thời kỳ đại dịch, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng cường trợ cấp trực tiếp cho doanh nghiệp.
Thứ tư, trong trung và dài hạn, đầu tư công cần tiếp tục là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, đầu tư vào hạ tầng bền vững sẽ thúc đẩy sự phục hồi sau Covid-19. Do đó, việc giải ngân nhanh vốn đầu tư công là rất quan trọng để đảm bảo các tác động to lớn của hoạt động đầu tư này sẽ mang lại lợi ích cho sự phục hồi cũng như hỗ trợ tăng trưởng trong dài hạn.
Thứ năm, trong việc thực hiện các giải pháp y tế cũng như kinh tế để phục hồi và bình thường hóa nền kinh tế, cần có sự hợp tác khu vực nhiều hơn giữa các quốc gia và với các tổ chức quốc tế.
Sự khác biệt về quy mô và thời gian của các gói hỗ trợ giữa các quốc gia đòi hỏi phải nỗ lực phối hợp hợp tác khu vực để giảm thiểu những bất ổn và rủi ro cho sự phục hồi trên toàn châu Á. Sự hợp tác như vậy cũng rất quan trọng để tạo thuận lợi cho phục hồi thương mại và giúp hồi sinh các lĩnh vực bị ảnh hưởng như du lịch, vốn đòi hỏi sự hợp tác và liên kết về các biện pháp nâng cao khả năng di chuyển như hộ chiếu vắc-xin.
Đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức chưa từng có. Bằng cách thực hiện các bước đi đúng đắn, Việt Nam có thể tiếp thêm động lực cho quá trình phục hồi sau đại dịch và giúp nền kinh tế trở lại trên con đường tăng trưởng. Và các tổ chức tài chính đa phương, như ADB, cũng sẽ có vai trò to lớn trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn chuyển đổi này thông qua việc tiếp tục đối thoại chính sách và hỗ trợ tài chính.